Sở di trú Mỹ có quy định mới về hướng dẫn xét duyệt hồ sơ di trú
Ông Francis Cissna, Giám đốc USCIS cho biết: “Đã từ lâu, hệ thống di trú của chúng ta bị sa lầy vào những tuyên bố phù phiếm hoặc nhân đạo làm cho quá trình xử lý hồ sơ của tất cả các đơn nộp vào Sở Di Trú bị chậm đi rất nhiều, trong đó có những đương đơn hợp pháp. Thông qua việc thay đổi chính sách đã lỗi thời trong một thời gian dài này, USCIS đang khôi phục toàn bộ quyền quyết định của các nhân viên Di trú trong việc từ chối các hồ sơ không đầy đủ thông tin và điều kiện. Cách làm này giúp ngăn chặn các hồ sơ giả mạo hoặc không đủ điều kiện, đảm bảo nguồn lực của chúng tôi không bị lãng phí đồng thời cải thiện năng lực xử lý hiệu quả và công bằng của USCIS cho lợi ích nhập cư hợp pháp.”
Ảnh minh họa
Theo đó, sự dễ dãi trong việc nộp hồ sơ ban đầu này làm cho nhiều luật sư nộp hồ sơ một cách cẩu thả để lấy thứ tự ưu tiên hồ sơ, nộp nhanh nhưng không kỹ lưỡng, khi có yêu cầu bằng chứng thì ‘tính tiếp. Dĩ nhiên, việc xem xét một bộ hồ sơ không hoàn chỉnh, không đầy đủ, không hoàn hảo gây mất thời gian và công sức của nhân viên xét duyệt hồ sơ rất nhiều, tốn thêm nhiều thời gian để yêu cầu thêm bằng chứng v.v. làm cho những bộ hồ sơ nộp vào Sở Di Trú một cách cẩn thận và kỹ lưỡng bị kéo dài thời gian được xét duyệt.
Do đó, chính sách mới ban hành vào ngày 13 tháng 07 năm 2018 đã hủy bỏ chính sách cũ nói trên. Chính sách này cho phép nhân viên USCIS có quyền từ chối hồ sơ di trú nộp vào mà không cần yêu cầu bổ sung thông tin, chứng cứ. Mục đích nhằm ngăn chặn các hồ sơ không phù hợp hoặc không đầy đủ điều kiện được sử dụng làm hồ sơ “giữ chỗ” và khuyến khích người nộp đơn phải cẩn thận và tích cực thu thập và nộp bằng chứng cần thiết.
Chính sách mới này bắt đầu có hiệu lực áp dụng từ ngày 11 tháng 09 năm 2018, và sẽ được áp dụng cho tất cả các hồ sơ nộp vào USCIS từ ngày 11 tháng 09 năm 2018 ngoại trừ chương trình Hoãn Trục Xuất Người Di Dân Tới Mỹ Lúc Vị Thành Niên (Deferred Action for Childhood Arrivals – DACA)
Chính sách mới ban hành này đưa ra 2 kết luận quan trọng:
- Sự cẩu thả trong việc nộp hồ sơ hay hồ sơ thiếu tính thuyết phục là nghiêm trọng, sẽ bị bác thay vì có cơ hội bổ sung thêm như trước.
- Sau khi nộp thêm bằng chứng (RFE) thì USCIS có quyền bác thẳng hồ sơ nếu trong hồ sơ RFE không nộp đủ bằng chứng theo yêu cầu, thay vì cho thêm 1 cơ hội để nộp thêm lần 2 (NOID) như trước đây.
Như vậy, nếu một bộ hồ sơ di trú được nộp lên mà bị Sở Di Trú từ chối theo chính sách mới ban hành thì đương đơn có thể gánh chịu các hậu quả sau:
- Mất tiền phí đã nộp cho Sở Di trú. Lý do là khoản tiền lệ phí này không được hoàn lại khi nộp hồ sơ, và đương đơn phải nộp lệ phí mới nếu quyết định nộp lại hồ sơ;
- Hồ sơ di trú sau khi bị từ chối của đương đơn có thể bị lưu ý. Vì vậy, nếu đương đơn có nộp hồ sơ mới, thì sẽ khó khăn hơn để được Sở Di Trú chấp nhận;
- Những người đang ở Mỹ theo các diện visa không định cư nếu nộp hồ sơ xin chuyển sang diện định cư mà hồ sơ bị từ chối theo quy định mới này, thì ngoài việc hồ sơ có thể bị lưu ý, đương đơn còn bị xem là bị vi phạm luật di trú về sử dụng sai mục đích của visa được cấp. Do vậy, sẽ gần như không có cơ hội để được cấp visa quay lại Mỹ sau này.
Như vậy, theo chính sách mới ban hành ngày 13 tháng 07 năm 2018, việc xử lý và xét duyệt hồ sơ EB-5 đang được cải tiến và siết chặt một cách khắt khe hơn. Lời khuyên hiện nay dành cho nhà đầu tư lúc này là nộp hồ sơ nhanh chóng nhưng phải cẩn trọng. Cẩn trọng trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn có tâm để chuẩn bị bộ hồ sơ có chất lượng nộp vào Sở Di Trú. Cẩn trọng trong việc lựa chọn dự án đầu tư để có thể đảm bảo nhận được thẻ xanh vĩnh viễn và nhận được hoàn vốn.
Leave a Reply